Sầu riêng Việt Nam gặp nhiều thách thức tại thị trường Trung Quốc
Trong quý I-2025, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh, chủ yếu do hoạt động xuất khẩu sầu riêng bị ảnh hưởng bởi một số quy định mới từ thị trường này.
Tuy nhiên, sau thời gian gián đoạn, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đang dần ổn định trở lại.

Lào có lợi thế về vận chuyển
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cho biết Trung Quốc tiêu thụ 91% sầu riêng toàn cầu, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan nhưng đang tìm kiếm các nguồn cung cấp mới, trong đó có Lào.
Đáng chú ý, tỉnh Attapeu của Lào đã chính thức cấp quyền khai thác đất cho ba công ty trong nước để trồng sầu riêng trên diện tích hơn 273 ha, thời hạn 30 năm.
Đây là một phần trong chiến lược của Lào nhằm tăng cường sản xuất trái cây thương mại với mục tiêu trở thành nhà cung cấp sầu riêng quan trọng cho thị trường Trung Quốc.
Trước đó vào tháng 10-2024, các công ty Trung Quốc đã có cuộc gặp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào để thảo luận về việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp sầu riêng Lào và một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về loại cây này.
Các sáng kiến này nhằm mục đích chuẩn hóa việc lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác, quy trình kiểm soát chất lượng và hoạt động logistics, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sầu riêng của Lào sang Trung Quốc trong tương lai.
Tính đến năm 2024, diện tích trồng sầu riêng của Lào đạt hơn 3.000 ha, dự kiến sẽ tăng mạnh theo từng năm.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, một lợi thế lớn của Lào là tuyến đường sắt Viêng Chăn - Côn Minh (nối thủ đô Viêng Chăn của Lào với thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) với tốc độ tối đa 120 km/h.
Tuyến đường này giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Lào xuất khẩu sang Trung Quốc.

Indonesia cũng tăng tốc
Đối với thị trường Indonesia, vào tháng 3, cơ quan Hải quan Trung Quốc đã hoàn tất việc kiểm tra các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Indonesia theo đúng lịch trình nhằm đánh giá tiềm năng hợp tác và khả năng xuất khẩu sầu riêng.
Ngành sầu riêng Indonesia hiện đang tập trung giải quyết các vấn đề về logistics để chuẩn bị cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo đó, một công ty xuất khẩu sầu riêng cho biết việc vận chuyển sầu riêng trực tiếp từ cảng Pantoloan ở tỉnh Trung Sulawesi đến Trung Quốc có thể rút ngắn từ một tháng xuống còn một tuần. Đồng thời, có khả năng cắt giảm một nửa chi phí vận chuyển. Công ty đặt mục tiêu tăng xuất khẩu hàng năm từ 30 lên 50 container.
Tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia có diện tích trồng sầu riêng đã đăng ký là khoảng 3.056 ha, phân bố tại năm địa phương.
Trong số năm địa phương này, ba địa phương tuyên bố sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Ngoài ra, tỉnh này có 15 cơ sở đóng gói sầu riêng, trong đó bảy cơ sở đã hoàn tất đăng ký, số còn lại đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Indonesia có thể chưa đáp ứng được ngay nhu cầu lớn từ Trung Quốc.
Mặc dù Indonesia sản xuất 1,83 triệu tấn sầu riêng vào năm 2023, trở thành một trong những quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, phần lớn sản lượng này hiện vẫn được tiêu thụ nội địa.
Hơn nữa, các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với trái cây nhập khẩu cũng đặt ra thách thức không nhỏ, trong khi những rào cản về logistics vẫn là một mối quan tâm đáng kể đối với các nhà xuất khẩu Indonesia.
Do đó, để giảm thiểu rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm, logistics, Indonesia có thể sẽ tập trung vào xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường Trung Quốc.
TÚ UYÊN/Theo PLO